goc tiep can phu hop cho mot bai viet

Cách lựa chọn góc nhìn/góc tiếp cận phù hợp cho một bài viết?

Bạn có biết không? Có một thứ không nằm ở từ ngữ, không nằm ở ý tưởng hay điều gì đó vĩ mô nhưng vẫn quyết định rất nhiều đến việc nội dung có chạm được đến người đọc không. Đó chính là góc nhìn/góc tiếp cận của một bài viết.

Cùng một chủ đề, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể viết theo nhiều cách khác nhau. 

Mình còn nhớ rất rõ thầy chủ nhiệm Lớp Báo chí đã từng chia sẻ rằng: “Điều tạo ra sự khác biệt ở một bài viết không phải ở việc bạn nói điều gì đó mới mẻ, mà là ở cách bạn chọn nhìn nó từ đâu”.

Thử để ý hoặc quan sát một tin tức gần đây bạn sẽ dễ dàng nhận thấy được điều này. 

Chẳng hạn như việc “Siết dạy thêm, học thêm” chính thức được áp dụng dựa theo Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hiệu lực từ ngày 14/2/2025.  

Cùng một sự kiện, nhưng báo chí có thể viết theo nhiều góc nhìn:

– Góc nhìn từ pháp lý: Làm rõ quy định mới, tránh gây hiểu lầm (“Thông tư 29 không cấm dạy thêm học thêm” – Laodong.vn).

– Góc nhìn từ giáo viên: Thể hiện tâm tư người trong cuộc (“Siết học thêm dạy thêm khiến nhiều thầy cô tâm tư” – Tienphong.vn).

– Góc nhìn từ học sinh: Đặt câu hỏi về sự ảnh hưởng đối với học sinh, đặc biệt học sinh cuối cấp (“Siết học thêm dạy thêm, học sinh cuối cấp thi như thế nào?” – Baotayninh.vn).

– Góc nhìn từ kinh tế: Tác động tới nỗi lo về chi phí học tập (“Siết dạy thêm, trung tâm học thêm tăng giá” – Laodong.vn).

Bạn có thấy mỗi góc nhìn lại dẫn dắt người đọc theo một hướng khác nhau không?. Đó chính là điều làm nên sự khác biệt của một bài viết.

Những ví dụ trên là từ lĩnh vực báo chí – nơi góc nhìn thể hiện rất rõ qua cách đặt tiêu đề và triển khai nội dung. Không chỉ riêng báo chí mà ngay cả khi viết content, viết blog cá nhân hay kể chuyện thương hiệu thì việc chọn đúng góc nhìn cũng quan trọng không kém. 

goc tiep can phu hop cho mot bai viet
Cùng một chủ đề nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tiếp cận từ nhiều hướng khác nhau cho một bài viết. Ảnh: Canva

Vậy góc nhìn là gì?

Trong viết lách, góc nhìn (góc kể chuyện) không chỉ là vị trí người kể (ngôi thứ nhất, thứ ba…) mà là cách bạn chọn tiếp cận nội dung một chủ đề.

Lúc này:

– Bạn sẽ kể lại như người trong cuộc hay người quan sát?

– Bạn viết như một chuyên gia, một người bạn hay một người từng trải?

– Bạn đặt trọng tâm vào cảm xúc cá nhân, dữ liệu hay câu chuyện người khác?

Một bài viết bạn nỗ lực viết ra không nhất thiết phải “kể câu chuyện chưa ai kể”. Đôi khi chỉ cần kể một điều quen thuộc từ một góc thật gần với người đọc cũng đủ khiến nhiều người quan tâm. Vậy nên khi bắt đầu một chủ đề nào đó, dù có hơi “cũ kỹ” nhưng chúng ta hoàn toàn có thể lựa chọn một góc nhìn mới mẻ để triển khai bài viết.

Vì sao cần lựa chọn góc nhìn trước khi viết?

2 trong số những lý do quan trọng của việc lựa chọn góc nhìn phù hợp với mục tiêu viết và đối tượng độc giả theo mình là:

Thứ nhất, cùng một chủ đề nhưng góc nhìn khác nhau sẽ dẫn đến cách viết khác nhau. Giả sử bạn viết về chủ đề “Tập yoga buổi sáng”. Nếu hướng đến người mới bắt đầu, chúng ta có thể chọn góc nhìn của người từng rất lười dậy sớm. Còn nếu hướng đến người đã tập lâu, bạn có thể nói về chất lượng năng lượng trong từng chuyển động.

Chỉ khi chọn đúng góc nhìn, bài viết mới đúng với tâm lý người đọc. Và, không bị chung chung vô thưởng vô phạt.

Thứ hai, góc nhìn giúp bạn kiểm soát được chiều sâu nội dung. Rất nhiều lần mình đã từng chia sẻ một bài viết không nên “ôm đồm tất cả” mọi thứ vào cùng một bài mà hãy tách nó ra.

Góc nhìn đúng giúp bạn biết cần nhấn mạnh vào đâu và bỏ qua điều gì. Nó còn là cách để bạn vẽ ra một khung sườn rõ ràng để triển khai thay vì lan man khắp nơi.

goc tiep can phu hop cho mot bai viet
Lựa chọn một góc nhìn đúng sẽ giúp bạn biết nên nhấn mạnh ở đâu và bỏ qua phần nào. Ảnh: Canva

Làm sao để lựa chọn góc nhìn phù hợp cho bài viết?

Một chủ đề có thể viết dưới nhiều góc nhìn khác nhau. Điều đó vừa là lợi thế, vừa là thử thách. Lợi thế là bạn có thể linh hoạt tiếp cận vấn đề theo cách riêng của riêng. Tuy nhiên nếu không cẩn thận, bạn dễ chọn một góc nhìn mờ nhạt, quá an toàn hoặc thiếu kết nối với người đọc.

Để chọn được một góc nhìn không chỉ đúng mà còn có chiều sâu, bạn có thể bắt đầu bằng cách đặt và trả lời những câu hỏi dưới đây.

Đây  là những câu hỏi khi mới bắt đầu viết, mình từng áp dụng và thấy khá thành công.

Những câu hỏi này đóng vai trò như chiếc la bàn định hướng. Nó sẽ giúp bạn không lạc lối giữa một chủ đề có quá nhiều khía cạnh. 

1. Chủ đề này đang có những khía cạnh nào?

Trước hết khi bắt đầu viết một chủ đề nào đó, bạn hãy thử nhìn rộng ra toàn cảnh. Một chủ đề tưởng chừng đơn giản nhưng thực ra nó đang ẩn chứa nhiều lớp nghĩa xung quanh. 

Đó có thể là cảm xúc, sự kiện, hậu quả, tranh cãi, giải pháp, góc nhìn văn hóa – xã hội,… Việc liệt kê ra những khía cạnh này sẽ giúp bạn xác định được đâu là phần mình nên tập trung khai thác, đâu là phần mình nên bỏ qua.

Ví dụ:

Với chủ đề “bỏ phố về quê”, bạn có thể tách ra nhiều khía cạnh:

– Góc nhìn cá nhân (áp lực đô thị, mong muốn cân bằng cuộc sống)

– Kinh tế (có thật sự sống tốt ở quê?)

– Văn hóa (cách người quê nhìn người trở về)

– Hệ lụy xã hội (làn sóng dịch chuyển ngược ảnh hưởng thế nào đến đô thị và nông thôn?)

Sau đó bạn sẽ “cân đo đong đếm” xem khía cạnh nào phù hợp nhất với mình để thực hiện triển khai bài viết.

2. Những người viết khác đã tiếp cận ra sao? Còn điều gì mình có thể làm khác?

Việc khảo sát các bài viết đã có là bước không thể thiếu đối với bất cứ nội dung nào. Nó giúp bạn nhận diện những góc tiếp cận đã trở nên phổ biến hay chưa. Từ đó tìm ra khoảng trống để kể câu chuyện theo một cách mới mẻ hơn. Chúng ta không phải người đầu tiên nói về chủ đề nào đó, nhưng hoàn toàn có thể là người kể nó theo một cách rất riêng biệt và đáng nhớ.

Ví dụ: Nhiều bài viết hiện tại kể theo kiểu “rời phố, làm nông, sống chậm, sống chill”. Nếu bạn cũng viết như thế có thể sẽ rất dễ trùng lặp. Nhưng nếu bạn kể về hành trình bỏ phố thất bại. Chẳng hạn như “quay về quê, nhận ra mình không hợp nếp sống ấy”, thì đó là góc nhìn đối lập, có sức hút riêng.

3. Mình muốn độc giả cảm thấy gì sau khi đọc?

Mỗi bài viết ra đều chứa đựng một mục đích nào đó của người viết. Ví dụ như khiến người đọc cảm thấy nhẹ nhõm, có thêm động lực để thay đổi, nhận ra một thông điệp ý nghĩa. Hoặc thậm chí hành động theo một chiều hướng tích cực hơn. Góc nhìn bạn chọn nên phục vụ cho cảm xúc bạn muốn khơi dậy. Vì suy cho cùng, cảm xúc chính là thứ khiến người đọc ở lại và sẻ chia cùng chúng ta.

Ví dụ: Nếu muốn người đọc cảm thấy bình yên, muốn dừng lại để sống chậm, thì bạn có thể áp dụng cách tiếp cận theo hướng tích cực với lời văn bay bổng nhẹ nhàng. Nhưng nếu bạn muốn họ tỉnh táo hơn trước trào lưu này thì nên đi từ góc nhìn phản biện bằng cách đi kèm con số, bài học, thất bại cụ thể.

4. Với chất liệu đang có, mình có thể bắt đầu từ đâu?

Với tư cách là người trong cuộc, bạn có thể kể từ chính trải nghiệm cá nhân. Bạn cũng có thể đứng từ góc độ người quan sát để bắt đầu kể về một sự kiện đang gây chú ý. Hoặc giả nếu sở hữu trong tay nguồn số liệu, nghiên cứu đáng tin cậy thì sẽ rất tuyệt cho hướng đi phân tích vấn đề từ góc nhìn chuyên gia. Nguồn chất liệu bạn có sẵn sẽ phần nào quyết định cách bạn triển khai bài viết – theo hướng kể chuyện, phân tích hay định hướng.

Ví dụ: Nếu bạn từng bỏ phố về quê 6 tháng rồi quay lại thành phố, bạn có thể viết theo dạng trải nghiệm cá nhân. Nếu bạn phỏng vấn 3 người trong xu hướng này thì bài viết có thể xây dựng theo hướng góc nhìn tổng hợp. Còn trong trường hợp đang làm trong ngành nghiên cứu thị trường, bạn hoàn toàn có thể phân tích dựa trên dữ liệu di cư dân số, chi phí sinh hoạt,…

5. Nếu cùng viết về một vấn đề, mình muốn làm rõ điều gì nhất?

Trả lời được câu hỏi này, bạn sẽ biết cách đi sâu vào phần nội dung bài viết của mình. Một vấn đề lớn có thể được mổ xẻ theo nhiều tầng bậc khác nhau. Ví dụ như bạn muốn tìm ra nguyên nhân gốc rễ của vấn đề, muốn phản ánh tác động thực tế, muốn đưa ra một giải pháp cụ thể? Hay đơn giản hơn, bạn muốn cất lên tiếng nói cho một nhóm người đang bị bỏ quên? Câu trả lời càng chính xác sẽ càng giúp bạn giữ bài viết không bị dàn trải, lan man.

Ví dụ:

Bạn muốn làm rõ điều gì trong “bỏ phố về quê”?

– Rằng người ta không bỏ phố vì yêu quê, mà vì mệt mỏi phố thị?

– Rằng quê có thật sự dễ sống như tưởng tượng?

– Hay rằng bản thân hành trình đó giúp người ta hiểu rõ hơn mình là ai, muốn gì?

6. Điều gì sẽ khiến bài viết của mình khác biệt?

Cuối cùng, bạn hãy tự hỏi điều gì khiến bài viết này đáng để đọc? Đó có thể là cách bạn kể chuyện gần gũi, một quan sát sắc sảo ít người nhận ra. Hay chỉ đơn giản là một cách đặt vấn đề khiến người đọc phải dừng lại suy nghĩ. Hãy nhớ là, điểm khác biệt không nhất thiết phải lớn lao nhưng nhất định phải chứa đựng những điều thật lòng.

Ví dụ: Có người viết về “bỏ phố về quê” như một giấc mơ bình yên sáng hái rau, chiều uống trà. Nhưng bạn có thể chọn góc nhìn thật thà hơn: “Bỏ phố về quê, tôi mới thấy chuyện nhỏ nhất như… mua ly cà phê sáng cũng không còn dễ. Không còn quán quen dưới chân chung cư, cũng không còn app đặt món chỉ trong 5 phút đã có shipper giao tận cửa.”

Chính những chi tiết đời thường, gần gũi như vậy lại khiến bài viết khác biệt. Bởi nó thật và chạm đến trải nghiệm của nhiều người.

Bạn có thể tự mình đặt và trả lời các câu hỏi liên quan để đi tìm góc nhìn riêng cho bài viết của mình. Ảnh: Canva

Khi đã trả lời được cơ bản những câu hỏi trên, bạn có thể tổng hợp lại một list dữ liệu để bắt đầu đưa ra một góc nhìn riêng trước bất kỳ chủ đề nào bạn muốn hoặc được giao viết.

Mình biết, với những bạn mới viết, việc ngồi xuống và tự hỏi hàng loạt câu như thế này có vẻ hơi “nặng đô”. Nhưng bạn đừng áp lực. Hãy thử chọn một, hai câu đầu tiên để bắt đầu thôi cũng được. 

Mình tin rằng đối với những người viết lâu năm có thể tự lựa chọn góc nhìn để viết một cách nhanh chóng mà không cần phải trả lời từng câu hỏi như trên. Nhưng nếu bạn là người mới bắt đầu, mình nghĩ tốt nhất nên thực hiện từng bước một. Lâu dần khi đã va chạm với viết nhiều, bạn sẽ lựa chọn được góc độ tiếp cận cho một bài viết khá nhanh và hiệu quả mà không cần mất quá nhiều thời gian.

Theo thời gian, việc xác định góc tiếp cận cho một bài viết sẽ không còn quá khó khăn đối với bạn. Ảnh: Canva

Như vậy, mình đã chia sẻ một số điều cơ bản về cách lựa chọn góc nhìn khi viết. Đây là một kỹ năng nhỏ nhưng ảnh hưởng lớn đến chất lượng bài viết, đặc biệt là khi bạn muốn viết content có chiều sâu, đúng người đọc.

Hãy cứ bắt đầu từ những câu hỏi nhỏ, tập quan sát cách người khác kể chuyện. Dần dà, bạn sẽ biết cách chọn góc nhìn một cách tự nhiên hơn mỗi khi đặt bút viết thôi nhé!

Xem thêm:

Bài viết khác

Verified by MonsterInsights