Thực tế thì mình chỉ vừa trở lại viết trên trang cá nhân facebook Nguyễn Phúc Thảo từ tháng 8/2023, tính đến nay vẫn chưa tròn 1 năm nên nội dung chia sẻ không nhiều. Mình cũng không phải là đứa thích viết một cách vồ vập mà luôn có sự phân chia nội dung viết một cách khoa học. Hôm trước có bạn hỏi mình là làm sao chị có thể viết trên trang cá nhân đều đặn mà không có cảm giác nhàm chán và bị bí ý tưởng như thế. Nên hôm nay mình xin chia sẻ một vài bí kíp nhỏ mà mình đã áp dụng và thấy tốt hơn mỗi ngày dưới đây.
Xác định chính xác đối tượng độc giả bạn đang hướng đến
Để đạt được mục đích viết mà không bị bí ý tưởng cho mỗi lần triển khai, trước hết bạn cần xác định mục đích viết cho ai. Chẳng hạn như đối tượng độc giả chủ yếu của mình là nam nữ độ tuổi từ 18 – 35, hiện đang là sinh viên chuyên ngành marketing/truyền thông/hoặc trái ngành, chủ doanh nghiệp SMEs, người kinh doanh chuyên môn, bán hàng online,…Vậy nên những nội dung mình chia sẻ ở trên đa phần đều có sự nghiên cứu, tìm hiểu và triển khai sao cho có sự tương tác hai chiều với độc giả mình muốn kết nối.
Đây là những cách đơn giản nhất mình áp dụng để có thể tự xác định đối tượng độc giả mình muốn hướng đến bạn có thể áp dụng:
+ Phân tích sản phẩm dịch vụ bạn đang cung cấp ở đây là gì?
+ Tệp khách hàng bạn đã, đang và sẽ muốn “kết nối” trước đó, hiện tại và trong thời gian tiếp theo.
+ Phân tích chân dung khách hàng dựa trên bảng điều khiển chuyên nghiệp tại cài đặt trang cá nhân (độ tuổi, giới tính, khu vực sinh sống, hành vi, thói quen,…)
+ Nghiên cứu đối thủ cạnh tranh,những người đang cùng làm một lĩnh vực như mình họ đang triển khai nội dung như thế nào, điểm mạnh điểm yếu của họ ra sao?
+ Tạo nhiều nội dung thử nghiệm rồi phân tích kết quả dựa trên hiệu suất thu được,…
Luôn xác định mục đích của việc viết để làm gì để tránh bí ý tưởng
Để không bị bí ý tưởng viết, bạn cần xác định viết để làm gì? Đó có thể là viết cung cấp thông tin, thuyết phục, giải trí hay đơn giản giải tỏa cảm xúc. Ví dụ, mình có album “Kể câu chuyện viết” thường để chia sẻ những câu chuyện kinh nghiệm, trải nghiệm về viết lách.
Album “Hạt ngọc trên lá cỏ” là những điều ngọt ngào mình gom nhặt được trên hành trình viết như tin nhắn chúc mừng năm mới của khách hàng, tiền lương chuyển về mỗi cuối tháng, những lời cảm ơn từ học viên. Hay Album “Viết Tốt Mỗi Ngày” thì lại chia sẻ những kỹ năng viết, bí kíp viết. Rồi cũng có những status vu vơ vào một ngày nào đó.
Nhìn chung tuỳ mục đích sử dụng trang cá nhân, bạn có thể tự xác định động thái cho việc viết.
Nếu bạn muốn xác định mục đích của việc viết để làm gì thì có thể tự đặt và trả lời câu hỏi mình đã từng làm như sau:
+ Tôi muốn viết trên trang cá nhân để kết nối giao lưu bạn bè, tiếp cận tin tức, thể hiện bản thân hay kinh doanh sản phẩm dịch vụ?
+ Nếu tôi viết ở trang cá nhân đơn giản chỉ để giao lưu kết nối thì tôi nên chia sẻ những gì, con cái, gia đình, công việc, ăn uống, du lịch,…?
+ Nếu tôi muốn viết để kinh doanh, marketing thì sản phẩm, dịch vụ tôi muốn bán là gì, tôi cần viết những gì để cung cấp thông tin về sản phẩm đó, viết làm sao để khách hàng tin tưởng và thuyết phục, viết làm sao để khách hàng không bị ngộp hay nhàm chán,…?
Lập lên một doanh sách và chủ đề liên quan đến lĩnh vực viết
Song song với việc lập danh sách và chủ đề liên quan đến viết, mình cũng đồng thời phân chia chủ đề theo tuần, tháng để đảm bảo sự đa dạng trong quá trình viết. Trên trang cá nhân Nguyễn Phúc Thảo, thông thường 3 ngày mình sẽ xuất bản một bài viết. Lần lượt những nội dung sẽ được chia đều sao cho phù hợp với mục đích viết, đối tượng độc giả để không gây cảm giác nhàm chán, nhồi nhét mà ý tưởng thì vẫn còn đầy trong kho.
Ban đầu bạn có thể lập danh sách và chủ đề viết đơn giản nhất có thể trên bản word, driver hay bất cứ nơi đâu bạn cảm thấy phù hợp. Dần dần chúng ta sẽ nghiên cứu, phân tích và bổ sung thêm các nội dung khác phù hợp.
Ví dụ, nếu bạn là HLV dinh dưỡng, bạn có thể lập các tuyến nội dung như sau rồi từ đó xây dựng nên các chủ đề liên quan:
+ Kiến thức về dinh dưỡng
+ Các công thức về nấu ăn
+ Các thói quen xây dựng lối sống lành mạnh
+ Kinh nghiệm, câu chuyện thành công của khách hàng
+ Xu hướng, tin tức trong ngành dinh dưỡng
+ Chương trình tư vấn, HLV dinh dưỡng
+ Hoạt động gắn kết cộng đồng
Về phần lập danh sách, chủ đề viết liên quan liên quan đến đào sâu insight khách hàng cũng như phong cách viết, định dạng nội dung mình sẽ chia sẻ chi tiết ở bài viết tiếp theo.
Đặt mục tiêu viết cụ thể cho mỗi bài viết cần hoàn thành
Cụ thể như số từ cho 1 bài đăng, thời gian nào hoàn thành, nội dung trong bài triển khai ra sao,…Với mình, một bài đăng trang cá nhân facebook sẽ được luân phiên dài ngắn khác nhau như 100 từ, 200 từ, 300 từ,…hoặc hơn, hoàn toàn không có sự nhồi nhét quá dài.
Thời gian đăng bài có thể là khung giờ sáng, trưa, tối hoặc thậm chí đêm khuya tuỳ từng ngày. Còn việc triển khai nội dung bài viết ra sao thì có thể tuỳ từng dạng bài, thông điệp muốn truyền tải mà mình xây dựng outline, định dạng sao cho đơn giản, dễ hiểu nhất có thể.
Việc tạo lập mục tiêu viết lách hàng ngày không chỉ cải thiện kỹ năng viết mà còn giúp bạn xây dựng nội dung có giá trị, phù hợp với đối tượng độc giả của mình. Mình vẫn chưa có nhiều thành tựu đối với việc chia sẻ trên trang cá nhân, nhưng mình đã thấy được sự tiến bộ mỗi ngày trong suốt thời gian qua. Bằng chứng là với viết và chia sẻ, mình đã kết nối được với rất nhiều người bạn tuyệt vời, trong đó có cả bạn bè, khách hàng, học viên và cả những người âm thầm theo dõi mà có thể họ chưa xuất hiện để cùng mình kết nối.
Nếu bạn muốn lập mục tiêu viết hằng ngày để không bị bí ý tưởng hay gây nhàm chán, thì hãy thử bắt đầu bằng 4 tip nhỏ trên thử xem sao nhé.
CÓ THỂ BẠN CẦN NHỚ NHANH:.
Cách tạo kế hoạch viết hàng ngày không sợ bí ý tưởng: 1. Xác định chính xác đối tượng độc giả bạn đang hướng đến 2. Luôn xác định mục đích của việc viết để làm gì 3. Lập lên một doanh sách và chủ đề liên quan đến lĩnh vực viết 4. Đặt mục tiêu viết cụ thể cho mỗi bài viết cần hoàn thành |