cach viet phan than bai

Cách viết phần thân bài giữ chân người đọc đến cuối

Hãy tưởng tượng việc viết bài cũng giống như bạn đang chỉ dẫn ai đó lái xe đi trên đường. Lúc này phần mở bài là điểm xuất phát, phần thân bài chính là những đoạn đường phải đi qua và phần kết bài chính là nơi mà độc giả kết thúc cuộc hành trình.

Theo Nielsen Norman Group, người dùng web thường chỉ đọc khoảng 20–28% nội dung của một trang nếu bố cục không rõ ràng hoặc khó theo dõi.

Điều đó cho thấy, nếu bạn không dẫn đường rõ ràng, độc giả sẽ… quay đầu xe bất cứ lúc nào.

Vậy làm sao để người đọc đi hết con đường – mà cụ thể ở đây là phần thân bài – một cách trơn tru và liền mạch?

Đây là cách mình hay áp dụng cũng như hướng dẫn các học viên, bạn có thể thử xem sao nhé!

1/ Xác định những tuyến đi qua – Lập dàn ý bài viết

Đầu tiên, bạn cần xác định chính xác những đoạn đường phải đi để thông báo cho người đi nắm rõ. Khi đã có trong tay tấm bản đồ rồi, họ sẽ lần lượt đi qua từng trạm một cách dễ dàng, liền mạch mà không bị đứt đoạn.

Nó cũng giống như việc trước khi viết, bạn cần phải vạch ra dàn ý chi tiết. Điều này sẽ giúp cho người đọc dễ dàng nắm được các ý chính, liên tục từ trên xuống dưới, từ luận điểm này đến luận điểm kia mà không bị rối rắm hay mơ hồ.

Mặt khác khi đã có trong tay dàn ý, bạn chỉ cần viết như thể lắp từng chi tiết vào mảnh ghép hoàn chỉnh là được.

So với việc vừa viết vừa tìm ý thì việc có sẵn thông tin chỉ cần bám theo thực hiện sẽ nhanh hơn rất nhiều.

Hãy nhớ là, một bài viết tốt không chỉ có nội dung hay mà còn phải có một hành trình mạch lạc mang tính logic để dẫn dắt người đọc đi đến cuối bài.

Ví dụ: 

Nếu bạn đang viết về “5 cách mở đầu bài viết thu hút người đọc”, thì thân bài nên chia rõ ràng từng cách, theo thứ tự hợp lý (từ dễ đến khó, từ phổ biến đến độc đáo,…). 

Bạn cũng có thể đánh số thứ tự từ 1 – 5 để người đọc dễ dàng thấy sơ bộ trước khi đi vào đọc chi tiết.

Khi bắt tay vào viết, bạn cứ thế đi từ cách 1, cách 2, cách 3, cách 4 rồi cách 5. 

cach viet phan than bai
Trước khi bắt tay vào viết bài, bạn nên xây dựng một dàn ý chi tiết trước. Ảnh: Pexels.com

2/ Chú ý biển chỉ đường – Thực hiện chuyển ý mượt mà

Có phải khi lái xe, bạn thường quan sát những tấm biển chỉ đường không? Nó là dấu hiệu thông báo bạn sắp kết thúc đoạn đường này để sang đoạn đường khác, lần lượt cứ như thế cho khi đến đích cuối cùng.

Hãy hình dung viết phần thân bài cũng thế! Bạn hoàn toàn có thể dùng những “tấm biển chỉ đường” để báo cho độc giả biết sắp kết thúc ý này để chuyển sang ý khác. Một cách tự nhiên và mượt mà.

Một số cách bạn có thể áp dụng cho cách chuyển ý là:

  • Dùng câu hỏi làm cầu nối: Ví dụ: ‘Chúng ta đã biết cách lên dàn ý cho phần thân bài. Vậy sau khi có bản đồ trong tay, làm thế nào để bước đi thật chắc chắn?”
  • Sử dụng cụm từ nối tự nhiên: Ví dụ: “Ngoài việc lên dàn ý, một yếu tố quan trọng không kém là cách bạn sử dụng câu chuyển đoạn để giữ chân người đọc.”
  • Nhắc ý cũ – mở ý mới: Ví dụ: “Việc lên dàn ý giúp bạn định hình rõ hành trình của bài viết. Nhưng để người đọc đi suôn sẻ trên hành trình đó, bạn cần đến những “tấm biển chỉ đường” – chính là các câu chuyển ý.”
  • Kể chuyện nhỏ lồng ghép: Mình từng có một học viên viết bài rất lộn xộn vì không biết cách nối các ý lại với nhau. Sau khi áp dụng một kỹ thuật đơn giản mà mình sắp chia sẻ sau đây, cô ấy đã khiến người đọc đọc liền mạch từ đầu đến cuối.

3/ Thêm cảnh vật – Dẫn chứng, cảm xúc, số liệu, thông điệp,…

Ngoài việc lên dàn ý, tạo sự chuyển tiếp cho đoạn văn, bạn cũng cần thêm một số yếu tố khác để giúp phần thân bài trông sinh động hơn. Ví dụ như dẫn chứng, hình ảnh, số liệu, cảm xúc,…

Y như cách chúng ta đang di chuyển nhưng vì bắt gặp những vạt hoa tuyệt đẹp đang nở rộ hai bên đường khiến bản thân phải dừng lại và nhìn ngắm.

Lưu ý là những dẫn chứng, hình ảnh, cảm xúc, số liệu hay chất liệu thêm vào cần có sự liên quan và logic với toàn bộ mạch bài.

Bạn có thể thêm những yếu tố này xen kẽ lần lượt trong các phần nội dung bài viết. Không nhất thiết phải ở một vị trí cố định, miễn là nó phù hợp.

cach viet phan than bai
Để bài viết của bạn trở nên sống động hơn, hãy thêm thắt những yếu tố liên quan như hình ảnh, số liệu, thông điệp,…Ảnh: Pexels.com

4/ Đừng tạo nên những “chiếc ổ gà” – Hãy tạo ra một con đường bằng phẳng

Là một người viết và cũng là Mentor hướng dẫn viết nên gần như mỗi ngày mình đọc rất nhiều nội dung khác nhau. Có những bài trình bày mạch lạc, dễ hiểu – đọc rất dễ chịu. Nhưng cũng có không ít nội dung khiến mình bỏ dở giữa chừng vì quá lòng vòng, ngôn ngữ khó hiểu, thiếu mạch lạc.

Tác giả Kurt Vonnegut đã chỉ ra rằng “Pity the readers.” (Tạm dịch: Hãy thương người đọc.). Nghĩa là hãy tạo nên sự dễ chịu cho người đọc, đừng khiến họ phải bơi trong một bài viết đầy rối rắm chỉ để cố gắng hiểu điều bạn đang nói.

Thay vì chỉ người ta đi trên con đường đầy những “chiếc ổ gà” để tới đích, hãy chọn một con đường bằng phẳng, sáng sủa và có hoa hai bên đường để họ không chỉ đi đến cuối bài, mà còn muốn quay lại thêm nhiều lần nữa.

Vậy nên khi viết phần thân, bạn hãy cố gắng loại bỏ những “chiếc ổ gà” có nguy cơ xuất hiện nhé!

cach viet phan than bai
Muốn loại bỏ những “chiếc ổ gà” trong bài viết của bạn, đừng bỏ qua giai đoạn biên tập bài viết. Ảnh: Pexels.com

Viết không phải là để thể hiện mình thông minh mà là để người đọc cảm thấy họ cũng thông minh hơn khi đọc xong bài viết của bạn. Đây là điều mà một Blogger, Writing mentor như mình tâm đắc và muốn cải thiện mỗi ngày. Để có thể tạo nên những bài viết với phần thân mượt mà, thu hút bạn cần phải rèn luyện mỗi ngày. Có thể ngày hôm nay bài viết của bạn khiến người đọc bỏ dở giữa chừng, nhưng chắc chắn ngày mai, ngày kia,…độc giả sẽ bị thu hút bởi những bài viết trơn tru mạch lạc với những chất liệu độc đáo của chỉ riêng bạn nếu biết nỗ lực và cố gắng mỗi ngày.

CÓ THỂ BẠN CẦN NHỚ NHANH:.

  • Lập dàn ý – Tấm bản đồ dẫn đường: Xác định tuyến nội dung chính, lập dàn ý chi tiết để giúp người đọc dễ nắm bắt nội dung và bạn cũng dễ viết hơn mà không bị lạc hướng.
  • Chuyển ý mượt mà – Biển chỉ đường trong bài viết: Để độc giả không bị “rớt nhịp” giữa các đoạn bạn có thể áp dụng các kỹ thuật như câu hỏi chuyển tiếp, cụm từ nối tự nhiên, nhắc lại ý cũ để mở ý mới, kể chuyện lồng ghép…
  • Thêm dẫn chứng và cảm xúc – Cảnh đẹp ven đường: Đưa vào bài những dẫn chứng, số liệu, cảm xúc, hình ảnh phù hợp để làm nổi bật nội dung và giữ chân người đọc. Nhưng cần đảm bảo chúng phải logic và liên kết chặt chẽ với ý chính.
  • Tránh những “chiếc ổ gà” – Viết dễ hiểu, liền mạch: Viết không phải để phô diễn kiến thức mà để người đọc cảm thấy dễ tiếp cận và thông minh hơn khi đọc. Loại bỏ câu văn rối rắm, ngôn ngữ trừu tượng và những đoạn lạc đề,…để đưa người đọc tập trung đi từ đầu đến cuối bài viết.

Picture of Thao Nguyen

Thao Nguyen

comments

Comments

related posts

Verified by MonsterInsights