Ở bài viết trước, chúng ta đã tìm hiểu về cách lựa chọn góc nhìn phù hợp cho một bài viết nhằm tạo “chỗ đứng” cho việc nhìn và kể một cách rõ ràng. Nhưng chỉ có góc nhìn thôi thì chưa đủ. Bây giờ là lúc chúng ta cần “soi đèn vào đúng chỗ”. Tức là chọn hướng khai thác để làm bài viết trở nên sâu hơn, có tính riêng biệt hơn mà không bị rơi vào lối mòn một cách mờ nhạt.
Đó là lý do cho sự ra đời của bài viết hôm nay về hướng dẫn cách khai thác chủ đề bài viết đúng trọng tâm và có sức hút riêng. Một kỹ năng không thể thiếu nếu bạn muốn viết tốt hơn mỗi ngày.
Sự liên đới giữa lựa chọn góc nhìn và khai thác chủ đề cho một bài viết
Khi bắt đầu thực hiện một bài viết, chúng ta đồng thời phải trả lời hai câu hỏi quan trọng. Đó là:
1/ Tôi đang kể câu chuyện này với tư cách là ai? -> Đó là lựa chọn góc nhìn.
2/ Tôi muốn kể phần nào của câu chuyện đó? -> Đó là cách khai thác chủ đề.
Trong đó:
1/ Lựa chọn góc nhìn là xác định vị trí kể. Nó giúp xác định bạn kể với tư cách gì (người trong cuộc, người ngoài cuộc hay một chuyên gia), bạn kể từ đâu (từ trải nghiệm, từ quan sát hay từ dữ liệu, phân tích), bạn kể với thái độ như thế nào (đồng cảm, phản biện, trung lập?). Vậy nên góc nhìn thường sẽ quyết định “giọng điệu” của bài viết.
2/ Khai thác chủ đề là chọn phần nội dung muốn đào sâu. Cùng một chủ đề, nhưng mỗi người viết có thể chọn một khía cạnh riêng để tập trung triển khai. Đó có thể là cảm xúc (kể câu chuyện thật, chạm vào sự đồng cảm), là hệ quả (phân tích ảnh hưởng, hậu quả), là nguyên nhân (tìm về gốc rễ của vấn đề), là giải pháp (đưa ra định hướng hoặc hành động), hay thậm chí tranh cãi (khơi gợi sự suy ngẫm hoặc phản biện). Cách mà bạn khai thác chủ đề sẽ quyết định thông điệp chính của bài viết.
Hai cái này đi với nhau như kiểu: Bạn chọn nơi đứng (góc nhìn) rồi từ đó nhìn ra khung cảnh nào (hướng khai thác). Nói một cách dễ hiểu Góc nhìn là “ai kể”. Hướng khai thác chủ đề là “kể về phần nào, nhấn cái gì”.

Làm sao để khai thác được chủ đề đúng trọng tâm và có sức thu hút riêng?
Có lẽ bạn sẽ đặt câu hỏi, vậy thì làm sao có thể khai thác được chủ đề một cách có trọng tâm?
Sau đây là 4 bước cụ thể mình vẫn hay áp dụng và chia sẻ với các bạn CTV, học viên bạn có thể tự mình áp dụng.
Quy trình này phù hợp cả khi bạn viết social, blog cá nhân, content chuyên môn hay kể chuyện thương hiệu đều được.
Bước 1: Phân lớp chủ đề
Phân lớp chủ đề nghĩa là gì? Nghĩa là bạn bắt đầu tách lớp chủ đề lớn thành các “miếng nhỏ” hơn có thể khai thác riêng biệt.
Trong quá trình hướng dẫn viết, mình thấy nhiều bạn khi được giao đề tài là bắt tay vào viết ngay mà không chú trọng vào việc nghiên cứu. Nhưng một chủ đề chỉ thật sự hấp dẫn khi bạn nhìn ra được các lớp nội dung xoay vòng xung quanh.
Thay vì cố viết một cách tràn lan, chúng ta hoàn toàn có thể chia nhỏ nó ra thành các lớp. Mỗi lớp sau này có thể trở thành một bài độc lập mà bạn có thể triển khai.
Tiếp nối ở ví dụ của bài viết trước về lựa chọn góc nhìn/ góc tiếp cận chủ đề “bỏ phố về quê”, mình có thể lựa chọn góc nhìn người quan sát tổng thể rồi nhìn nhận nó như một hiện tượng xã hội có nhiều lớp, từ cảm xúc cá nhân, kinh tế cho đến văn hoá, xã hội.
Lúc này chúng ta có thể có:
Góc nhìn | Các lớp khai thác | Phù hợp khi… |
Cá nhân | – Vì sao người ta muốn rời phố? (áp lực sống, mất kết nối, mong muốn cân bằng)
– Những cú sốc đầu tiên khi về quê – Cảm giác kỳ vọng phải sống “chill” – Trở lại thành phố là thất bại hay một trải nghiệm đáng giá? |
Bạn là người trong cuộc, hoặc muốn viết theo hướng gần gũi, tự sự |
Kinh tế | – Chi phí sống ở quê rẻ hơn thật không?
– Có dễ kiếm tiền khi sống xa trung tâm? – Rời phố nên tích lũy bao nhiêu, sống bằng gì? |
Bạn có dữ liệu thực tế, trải nghiệm tài chính, hoặc viết để giúp người đọc ra quyết định tài chính. |
Văn hoá | – Sự khác biệt trong cách sống – ăn – ở – cư xử ở phố và quê
– Những định kiến “phải sống chậm” và cú sốc văn hoá ngược – Hệ giá trị thay đổi: từ tiện lợi đến đợi chờ – “Bỏ phố về quê” có đang lãng mạn hoá cái giá của tự do? |
Phù hợp cho bài viết phản tư, storytelling xã hội, phân tích sự khác biệt trong hệ giá trị. |
Xã hội | – “Bỏ phố về quê” là trào lưu hay hệ quả của đô thị quá tải?
– Xu hướng dịch chuyển dân cư có bền không? – Vai trò mới của nông thôn trong thời đại số |
Dành cho bài viết phân tích xu hướng, phổ cập kiến thức, bài báo chuyên đề, chuyên môn sâu. |
Mục tiêu của bước này là nhìn thấy các mặt cắt của vấn đề, để chọn đúng một lớp phù hợp để bạn có thể tiếp tục ở bước kế tiếp.

Bước 2: Chọn khía cạnh cụ thể để làm “xương sống” bài viết
Bạn không thể (và không nên) viết hết tất cả các lớp trong một bài viết. Hãy chọn một lát cắt duy nhất để khai thác và đi sâu vào nó. Giả sử bạn chọn lớp: “Bỏ phố về quê” có đang lãng mạn hoá cái giá của sự tự do?” Đây là cách khai thác mang yếu tố văn hoá – xã hội, chạm vào tầng ý thức cộng đồng.
Khía cạnh này hoàn toàn có thể lựa chọn để triển khai thành một bài viết hoàn chỉnh:
– Vì nó khác biệt với những bài viết chỉ kể trải nghiệm cá nhân.
– Vì bạn có thể dùng chất liệu từ quan sát mạng xã hội, câu chuyện người thật, và so sánh hình ảnh với thực tế.
– Và vì nó có tính “thời sự”, phù hợp với tâm lý người đọc quan tâm đến chủ đề lifestyle, sống chậm,…
Vậy nên khi chọn lớp khai thác, bạn cần căn cứ vào các yếu tố như chất liệu hiện có của bạn là gì, sự khác biệt của lớp, tính phổ biến trong thực tế xã hội,…

Bước 3: Tạo chiều sâu bằng cách phân tầng nội dung
Khi đã chọn được khía cạnh và lớp rồi, bạn cũng đừng vội viết ngay mà hãy hình dung hoặc vẽ ra chiều sâu cho câu chuyện bằng cách phân tầng nội dung.
Hãy giúp người đọc đi từ: Đặt vấn đề -> giải quyết vấn đề -> kết thúc vấn đề.
Tương đương ví dụ trên ta có: Tình hình thực tế -> phân tích/ soi sáng -> mở rộng.
Lúc này bài viết có thể triển khai thành 3 tầng:
Tầng | Vai trò | Luận điểm chính |
Tầng 1: Mở đề / Gợi tình huống | Gợi mở bằng một hình ảnh cụ thể, tạo sự đồng cảm hoặc chú ý từ người đọc | Một người bạn đăng ảnh tưới rau với caption “Ngày thứ 60 sống chậm”. Nhưng trong tin nhắn tâm sự riêng, cô ấy kể vừa phải vay tiền mẹ đóng điện vì kể từ khi về quê, công việc buôn bán trở nên ế ẩm. |
Tầng 2: Phân tích / Đặt lại câu hỏi lật lại tình huống | Lật lại mâu thuẫn giữa hình ảnh lý tưởng và thực tế cuộc sống sau khi “bỏ phố” | – “Tự do” không chỉ là rời thành phố, mà là khả năng đối mặt với bất ổn.
– Những hình ảnh sống chậm có thể dẫn đến kỳ vọng sai lệch. – Ít người kể lại thất bại, khiến lựa chọn này ngày càng bị lãng mạn hoá. |
Tầng 3: Mở rộng / Liên hệ xã hội | Đặt ra câu hỏi mang tính thời đại, gợi suy ngẫm sâu hơn | – Người trẻ đang tìm tự do bằng cách chủ động sống, hay bằng cách bỏ chạy khỏi đời sống đô thị?
– Hình mẫu “bỏ phố” có đang tạo ra áp lực mới? – Khi ai cũng nói về sống chậm, liệu có ai hỏi đến “sống bền”? |
Ba tầng này giúp bài viết không bị trôi tuột một cách nhạt nhoà mà trông có lực hơn. Từ đó có thể giúp giữ chân người đọc đi từ đầu đến cuối bài viết với một sự dẫn dắt logic.
Bước 4: Gài “chốt” để tạo dấu ấn cá nhân
Gài “chốt” để tạo dấu ấn cá nhân nghĩa là gì? Nghĩa là cuối mạch câu chuyện hay cuối cách giải quyết vấn đề bạn có thể để lại một điều gì đó. Chẳng hạn như một câu kết, một hình ảnh có sức gợi khiến người đọc phải dừng lại.
Không cần quá hoành tráng hay màu mè tô vẽ, chỉ cần thật là được.
Ví dụ như: “Hóa ra, cái giá của tự do không nằm ở chuyện bỏ phố hay không. Nó nằm ở việc ta dám chấp nhận cái giá đó và sống thật với chính lựa chọn của mình.”
Vậy là cơ bản chúng ta đã áp dụng cách khai thác chủ đề bài viết qua 4 bước với những dữ kiện quan trọng để bắt đầu đi vào thực hành viết bản nháp đầu tiên.

Ví dụ giả định cho bản nháp đầu tiên mình hoàn thành:
“Hôm trước, một người bạn mình quen trên MXH có đăng một bức ảnh rất đỗi bình yên kèm dòng trạng thái “Ngày thứ 60 sống chậm. Sáng tưới rau, chiều uống trà, tối cùng con đọc sách. Tự nhiên thấy đời đơn giản lạ.” Bức ảnh thực sự rất đẹp, dịu dàng đầy mơ ước.
Nhưng trong tin nhắn tâm sự riêng, cô ấy kể vừa phải vay tiền mẹ đóng điện vì kể từ khi về quê, công việc buôn bán trở nên ế ẩm.
Mình không thấy điều đó mâu thuẫn. Mình chỉ thấy tiếc vì mặt sau của những lựa chọn ấy thường không ai kể lại. Nhất là khi lựa chọn đó từng được xem như một “giấc mơ”.
Chúng ta thường nghĩ “bỏ phố về quê” là tìm về sự tự do. Rằng một khi thoát khỏi tắc đường, deadline và khói bụi thành thị, ta sẽ chạm được đến một phiên bản cuộc sống nguyên bản và cân bằng hơn.
Nhưng thực tế, tự do ấy có thể đến cùng nhiều bất ổn mới. Thu nhập bấp bênh, cơ hội việc làm hạn chế, thiếu hạ tầng cơ bản. Hoặc sự phụ thuộc hoàn toàn vào những nền tảng online không đoán trước được.
Những hình ảnh sống chậm lan truyền trên mạng xã hội dễ khiến người ta kỳ vọng rằng, cứ rời khỏi phố thị là sẽ thấy bình yên. Trong khi trên thực tế, sống chậm là một kỹ năng, một lối sống cần được rèn luyện, thích nghi. Và thậm chí có khi phải có cả vốn dự phòng để duy trì.
Chưa kể, rất nhiều người sau khi “bỏ phố” không dám kể lại những ngày tháng lặng lẽ của mình. Vì họ sợ bị coi là thất bại, là đi ngược lại với tinh thần “dám bỏ phố”. Điều đó vô tình khiến hình ảnh về quê sống chậm ngày càng được lý tưởng hoá. Vô hình dung chính những người trong cuộc lại trở thành nạn nhân của kỳ vọng mà họ từng góp phần tạo ra.
Mình vẫn nghĩ “bỏ phố” là một lựa chọn đáng tôn trọng. Nhưng sẽ đáng giá hơn nếu ta hiểu rõ những điều đi kèm với nó. Phải chăng, trong một thời đại mà người trẻ đã quá kiệt sức với đô thị và mạng xã hội, tự do không còn là khả năng làm chủ đời mình, mà chỉ là một cách để… bỏ chạy khỏi áp lực cuộc sống?
Và phải chăng, hình ảnh bỏ phố sống chậm đang dần trở thành một tiêu chuẩn sống mới. Tiêu chuẩn với một thứ khuôn mẫu khác khiến ai cũng cảm thấy mình phải đạt được nó? Giữa lúc ai cũng mải nói về sống chậm, liệu có ai dừng lại để hỏi sống bền thì sao?
Hóa ra, cái giá của tự do không nằm ở chuyện bỏ phố hay không. Nó nằm ở việc ta có dám chấp nhận cái giá đó và sống thật với chính lựa chọn của mình hay không mà thôi.
Ở ví dụ trên, bạn có nhận ra đâu là tầng 1, tầng 2 và tầng 3 của bài viết không? Rất dễ dàng đúng không nào?
Cách khai thác chủ đề bài viết không phải là viết hết những gì bạn nghĩ. Đó là hành trình đi từ một vòng tròn rộng đến tâm điểm bên trong theo trình tự dễ hiểu rộng -> chọn điểm -> triển khai sâu -> tạo điểm nhấn. Bài viết không cần dài. Chỉ cần bạn chọn đúng điều cần nói và nói điều đó đủ sâu là được.
Viết càng nhiều, bạn sẽ càng thấy rõ những bài viết được chia lớp và đi đúng trọng tâm luôn là những bài có sức hút lâu dài, dù cho chủ đề ấy có cũ đến đâu.
Ở bài viết sau, bạn hãy thử ngồi lại lựa chọn góc nhìn, đưa ra vài lát cắt, chọn một lát cắt phù hợp với riêng bạn. Từ lát cắt nhỏ đó, bạn hãy phân tầng nội dung bài viết, tiến hành thực hiện bản nháp đầu tiên, cho đến bản nháp thứ 2 rồi biên tập thành bài viết hoàn chỉnh. Có thể bạn sẽ khá bất ngờ về kỹ năng viết của mình đã tốt hơn một chút rồi đấy.
Xem thêm: