Hướng dẫn chi tiết cách viết mở bài với các kỹ thuật đơn giản

Ở hướng dẫn cách viết phần thân bài, mình đã đề cập đến việc viết cũng giống như chúng ta đi trên một con đường. Nếu như phần thân là đoạn đường cần phải đi qua thì phần mở chính là điểm khởi đầu và đoạn cuối là chốn dừng chân. Vậy thì làm sao viết phần mở bài để có thể khiến người đọc kéo xuống tiếp và đi vào phần thân bài? Dưới đây là một số cách viết mở bài bạn có thể áp dụng cho nhiều lĩnh vực khác nhau.

Tầm quan trọng của việc viết phần mở đầu?

Khi còn là sinh viên Khoa Báo chí – Truyền thông của Trường Đại học Khoa Học Huế, mình được thầy cô nhắc nhiều về tầm quan trọng của việc viết phần mở đầu. Nội dung này luôn được đề cập đến nhiều, ngay cả ở những tiết học trong lớp, thi kết thúc học phần hay thực tập thực tế.

Sau này khi làm phóng viên báo chí, trở thành chuyên viên truyền thông, Mentor hướng dẫn viết và là Blogger, nói chung là đã kinh qua nhiều vị trí vai trò, mình mới thực sự thấy viết phần mở đầu sao cho khiến độc giả đi tiếp là một điều không hề dễ.
Bạn cứ để ý đi. Lúc đang lướt newfeed và bắt gặp bài viết của ai đó, có phải có những bài viết bạn sẵn sàng đọc từ đầu đến cuối mất tận 30 phút. Nhưng cũng có những bài không thu hút bạn nổi 3s.

Độc giả họ cũng vậy!

Mở bài là điểm bắt đầu hành trình trên đoạn đường bạn muốn độc giả đi qua. Đây là lúc người đọc quyết định:

• Đi tiếp,
• Hay rẽ lối khác.

Nếu chúng ta không cho độc giả lý do ở lại phần mở bài thì làm sao đi tiếp đến phần thân bài, dừng chân ở phần kết bài rồi thực hiện các hành động khác trên toàn bộ bài viết.

cach viet mo bai
Viết phần mở đầu một cách thành công là điều không hề dễ đối với một người viết chuyên nghiệp. Ảnh: Pexels.com

Một số cách mở đầu bài viết bạn có thể áp dụng cho bài viết

Đặt câu hỏi hoặc đưa ra tình huống bất ngờ:

Thường thì mở bài là cú chạm đầu tiên vào sự tò mò của người đọc. Mà tò mò thì hay bắt đầu bằng một câu hỏi hay một tình huống nào đó. Vậy nên bạn có thể áp dụng cách đặt ra một câu hỏi hoặc tình huống để khiến độc giả muốn xem thêm bạn đang thực sự muốn nói gì đằng sau vấn đề đã được đặt ra trước đó.

Ví dụ:

  • “Bạn có biết: một tiêu đề hay chỉ giữ chân người đọc 3 giây, nhưng một mở bài dở có thể khiến họ out ngay trong 1 nhịp thở?”
  • “Bạn đã từng viết một bài rất tâm huyết, nhưng vừa đăng lên đã… chẳng ai đọc đến dòng thứ ba?”

 

Ở 2 ví dụ trên, mình đã sử dụng 2 câu hỏi. 1 câu hỏi đi kèm tình huống mang tính thách thức nhẹ với 3 giây, 1 nhịp thở để kích thích sự tò mò của người đọc. 1 câu hỏi khác ở ví dụ 2 mang tính chất “lật ngược một kì vọng” làm cho người đọc lướt qua mà không thể không suy nghĩ vì thấy bản thân mình cũng rơi vào trường hợp như thế.

Giả sử bạn đang là người viết về lĩnh vực tài chính thì lúc này có thể viết phần mở bài với kỹ thuật đặt câu hỏi là: “Bạn có từng nghĩ: Vì sao lương tăng đều mà tiền vẫn không dư?” Nếu bạn đang cảm thấy mình làm việc chăm chỉ nhưng vẫn không cải thiện được tài chính cá nhân, bài viết này là dành cho bạn.“. Còn lĩnh vực giáo dục thì: “Tại sao học sinh thông minh vẫn thi trượt IELTS?” Không phải vì thiếu kiến thức, mà vì thiếu một chiến lược học đúng.

Đây đều là những kỹ thuật đơn giản bạn có thể áp dụng ở phần mở đầu một bài viết trên Facebook, blog hoặc trong các chiến dịch content khác nhau.

cach viet mo bai
Tốt hơn hết bạn chỉ nên đặt khoảng 1 – 2 câu hỏi cho phần mở đầu. Ảnh: Pexels.com

Gợi hình ảnh mà người đọc thấy chính mình trong đó:

Gợi lên một tình huống tương tự mà bạn cho rằng bạn cũng giống như họ vì bạn đã hoặc từng trải qua. Nói một cách dễ hiểu là từng câu từng chữ trong đoạn mở đầu bạn cố gắng triển khai làm sao cho thật thân thuộc. Nó quen thuộc đến mức khiến người đọc thấy nội dung này như đang viết cho chính mình vậy.

Ví dụ:

  • “Bạn đang viết một bài blog. Mở lên word, gõ được dòng tiêu đề… rồi đứng hình nhìn con trỏ nhấp nháy suốt 10 phút?”
  • “Bạn từng nảy ra một idea cực hay nhưng vì không biết mở sao cho cuốn nên cuối cùng lại bỏ dở giữa chừng cả bài viết trong tiếc nuối?

 

Bạn thấy không? Hình ảnh mở word, gõ tiêu đề, rồi đừng hình nhìn con trỏ nhấp nháy suốt 10 phút là những điều rất đỗi quen thuộc. Hay việc “bỏ dở giữa chừng” đã tạo ra một hiệu ứng đồng cảm giữa những người viết với nhau. Vì mình tin chắc rằng, đã là người viết thì việc bỏ dở giữa chừng một bài trước khi hoàn thành là điều hầu như ai cũng đã từng. Chính sự đồng điệu này có thể thôi thúc độc giả muốn đọc thêm nội dung ở phần tiếp theo như thế nào.

Một học viên chuyên viết về lĩnh vực sức khoẻ của mình đã từng áp dụng cách mở đầu bài dạng này khá thành công. Nguyên văn như sau: “Mỗi sáng bạn thức dậy với chiếc lưng đau nhức, mỏi vai, và nghĩ chắc do mình “ngủ sai tư thế”? Có thể nguyên nhân không đến từ bạn mà đến từ chiếc nệm bạn đã dùng suốt 1 năm qua.” Rõ ràng câu mở đầu này đánh trúng trải nghiệm rất quen thuộc – cảm giác đau mỏi khi ngủ dậy – và ngay lập tức gợi ra một sự hoài nghi mới mẻ: “Không phải do mình, mà do cái nệm”.

Sử dụng một câu chuyện – ngắn, thật và đúng trọng tâm:

Ai cũng thích được nghe kể chuyện nên bạn có thể tận dụng những câu chuyện để bắt đầu cho phần mở đầu của bài viết. Miễn là câu chuyện này có sự liên quan và đừng kể quá dông dài khiến người đọc cảm thấy mệt khi đọc. Một mẩu chuyện thật – nhỏ thôi – có thể làm người đọc “ngồi xuống” để lắng nghe bạn.

Ví dụ:

“Một học viên từng hỏi mình: ‘Em thấy ai viết cũng giỏi”. Còn em cứ mở bài là bí không biết bắt đầu như thế nào? Chị có cách nào hướng dẫn em với không ạ? Mình trả lời: ‘Có chứ. Nhưng đầu tiên, em đừng cố gắng hay. Hãy cố gắng thật.’”

Với một câu chuyện nhỏ như trên, mình đã viết một mở bài thể hiện được tinh thần của một người viết có tính trải nghiệm thực tế chứ không phải là một lý thuyết suông. Bên cạnh đó một câu thoại “Đừng cố gắng hay, hãy cố gắng thật” mang tính định hướng cũng giúp cho người đọc thấy được sự giá trị cần phải đọc thêm ở tiếp theo.

cach viet mo bai
Đôi khi bạn cũng nên để độc giả thư thả bước vào bài viết của mình bằng một câu chuyện nhẹ nhàng. Ảnh: Pexels.com

Trực tiếp đi thẳng vào vấn để với giá trị có sẵn:

Theo Copyblogger, một bài viết có mở bài hấp dẫn có khả năng giữ người đọc ở lại cao hơn 34% so với bài viết cùng nội dung nhưng mở bài dông dài, lan man.

Đôi khi bạn chỉ cần đi thẳng vào vấn đề sẽ khiến người đọc thích hơn là đi lòng vòng rồi mới vào chủ đề chính. Thay vì bạn vòng vo với những câu kiểu “Viết là một kỹ năng quan trọng…”. vốn dĩ ai cũng biết thì bạn có thể nói thẳng rằng “Bài viết này sẽ cho bạn 4 cách mở bài giúp giữ chân người đọc ngay từ dòng đầu tiên – kể cả bạn chưa giỏi viết.” Hay cũng có thể: “Nếu bạn từng loay hoay với câu mở đầu, thì đây là 3 chiến lược đơn giản, thực tế, đã được kiểm chứng.

Ở đây, chính sự rõ ràng và cam kết về giá trị nội dung là điểm thu hút người đọc ở lại. Họ biết chính xác sẽ nhận được gì trong phần nội dung tiếp theo mà không cần phải tốn thời gian phỏng đoán. Đây là cách viết rất hiệu quả với những người đọc bận rộn hoặc cần giải pháp nhanh chóng trong thời đại số như ngày nay.

Mở bài đi thẳng vào vấn đề là cách để bạn nhanh chóng kết nối với độc giả của mình. Ảnh: Pexels.com

Tạo sự tò mò trong từng câu chữ:

Một cú đề-pa tốt không cần phải phô trương ầm ĩ. Chỉ cần chắc chắn để động cơ tiếp tục di chuyển. Cũng như bài viết, đôi khi những lời từ phần mở bài không cần phải “hoa mỹ”, chỉ cần chứa đựng những câu chữ có khơi gợi sự tò mò cũng đủ thôi thúc người đọc muốn đi tiếp.

Ví dụ:

  • “Có một điều đơn giản mà hầu hết người viết đều bỏ qua – và điều đó khiến bài viết của họ hụt hơi ngay từ dòng đầu.”
  • “Bài viết không bắt đầu từ chữ đầu tiên – nó bắt đầu từ cảm xúc đầu tiên bạn gợi lên cho độc giả.

 

Cả hai câu mở đầu mình đưa ra ở trên đều dùng kỹ thuật “treo” – tức không nói thẳng điều gì, mà khơi lên cảm giác thiếu sót hoặc điều bí mật chưa được khám phá. Điều này khiến người đọc muốn kéo xuống để tìm hiểu “rốt cuộc điều đơn giản ấy là gì?”. Ngoài ra, cách ví von ở ví dụ thứ hai (cảm xúc mở bài) còn mang tính triết lý nhẹ pha một chút chiều sâu tinh tế.

Mở bài là lời mời. Mà một lời mời khéo léo sẽ khiến người đọc không nỡ từ chối. Và như người ta vẫn hay nói chuyến đi dài hay ngắn không quan trọng. Quan trọng là… có ai đó muốn đi cùng bạn ngay từ phút đầu tiên.

Với những cách mở bài trên, bạn có thể áp dụng cho đa dạng thể loại bài viết có thể đăng trên các kênh như website, các nền tảng mạng xã hội, cộng đồng, diễn đàn,…ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Bây giờ, hãy thử bắt tay vào viết một bài với một trong những cách viết mở bài mình vừa hướng dẫn ở trên xem kết quả thế nào nhé.

Nếu cần sự góp ý hỗ trợ, bạn có thể liên hệ mình qua email nguyenphucthaowriter54@gmail.com, facebook cá nhân Nguyễn Phúc Thảo hoặc tham gia cộng đồng học viết content website, PR và Social Media để thảo luận thêm nhé!

Xem thêm:

 

CÓ THỂ BẠN CẦN NHỚ NHANH:.

5 cách mở bài hiệu quả bạn có thể áp dụng:

  • Đặt câu hỏi hoặc tình huống bất ngờ – đánh trúng sự tò mò và vấn đề người đọc đang gặp phải.
  • Gợi hình ảnh quen thuộc – để độc giả thấy mình trong đó, tạo kết nối cảm xúc.
  • Kể một câu chuyện ngắn, thật, đúng trọng tâm – khiến người đọc muốn “ngồi xuống” nghe tiếp.
  • Đi thẳng vào vấn đề – cam kết rõ ràng giá trị, nhất là với người bận rộn.
  • Treo câu chữ để tạo tò mò – khơi gợi một thiếu sót, bí mật hay chiều sâu tinh tế.

 

Picture of Thao Nguyen

Thao Nguyen

comments

Comments

related posts

Verified by MonsterInsights