Trong gần 7 năm làm content và hướng dẫn người khác học viết, mình nhận ra một điều viết mãi không giỏi lên không phải vì thiếu năng lực – mà vì không biết mình đang viết như thế nào. Giống như việc tập thể thao, nếu không biết nhóm cơ nào yếu – bạn sẽ tập sai bài và không đạt được kết quả như mong đợi. Với viết cũng vậy, nếu không có một cách tự đánh giá kỹ năng viết đúng đắn, bạn sẽ chỉ quanh quẩn với lối viết cũ và ngỡ là mình đang tiến bộ.
Sự thật là đã có một thời gian mình rơi vào tình trạng này. Và thật may mình đã phát hiện ra và tự kéo bản thân lên khỏi tư duy sai lầm đó.
Bài viết này là một “bản đồ nhỏ” giúp bạn xác định vị trí hiện tại của kỹ năng viết – để biết cần nâng chỉnh ở đâu. Và bạn hoàn toàn có thể tự làm điều đó với 4 bước đơn giản sau đây:
Bước 1: Tự hỏi lại chính mình, viết để làm gì và viết cho ai?
Trước khi đánh giá kỹ thuật, bạn cần quay về điểm gốc ban đầu: đó chính là mục tiêu và đối tượng viết! Đây là điều mình luôn nhắc đi nhắc lại đối với các bạn học viết và thực hành viết.
Muốn xác định đúng 2 điểm gốc này, bạn phải chắc chắn mình đang viết trong lĩnh vực nào. Giáo dục, Kiến trúc, Ẩm thực hay Viết lách,…?
Lĩnh vực nào cũng được, miễn là bạn xác định:
– Bài viết bạn định viết để làm gì? (giáo dục, bán hàng, chia sẻ cảm xúc, xây dựng thương hiệu cá nhân…?)
– Bạn đang viết cho ai? (họ là khách hàng tiềm năng, người trong ngành, người mới,…)
Thử hỏi:
– Mỗi bài bạn viết có mục tiêu rõ ràng không? Hay cứ thấy gì hay là viết? Thấy thích gì viết đó?
– Bạn có đang viết đúng ngôn ngữ và mối quan tâm của người đọc không?
Nếu câu trả lời là “mơ hồ”, thì vấn đề chưa nằm ở kỹ thuật đâu, mà là ở tư duy viết.

Bước 2: Đọc lại bài viết cũ với con mắt biên tập
Hãy chọn một bài viết bạn cảm thấy “tự hào” hoặc từng thấy “đau đầu” khi viết. Sau đó thử đóng vai một người giáo viên, một người bạn tin tưởng đọc lại bài của mình. Nhưng nhớ là không phải với tư cách là tác giả- mà là một biên tập viên.
– Có chữ, câu, đoạn nào thừa?
– Có từ nào sai chính tả?
– Có chỗ nào khó hiểu?
– Cấu trúc có mạch lạc không?
– Có phần nào nên viết lại cho rõ hơn?
– Có phần nào bạn thấy tự hào?
Việc soi lại một bài cũ như thế sẽ giúp bạn thấy rõ điểm mạnh – điểm yếu mà khi viết bạn không nhận ra.Thường bạn sẽ hơi sốc, nhưng đó là tín hiệu tốt cho việc tiếp tục cải thiện kỹ năng viết về sau.

Bước 3: So sánh với một người viết giỏi hơn để biết mình cần học gỉ?
Rà soát trong danh sách tác giả bạn yêu thích hoặc một thương hiệu có lối viết thuyết phục, chọn một bài viết bạn thực sự thích.
Sau đó, đặt bài viết của bạn và bài đó cạnh nhau rồi tự hỏi:
– Họ triển khai bài như thế nào?
– Mở bài họ có cuốn hút không?
– Kết bài họ thường viết kiểu nào?
– Cách kể chuyện, ví dụ của họ có “ăn tiền”?
– Nhịp điệu và cảm xúc họ tạo ra khác gì mình?
– Họ có “chất riêng” gì đó đọng lại trong lòng bạn?
Việc đặt trong sự so sánh không phải để chúng ta tự ti mà là để nhận ra bản thân mình đang ở đâu trong hành trình viết. Và mình còn có thể làm gì tốt hơn.

Bước 4: Tự kiểm tra kỹ thuật viết của mình dựa trên checklist
Thông thường khi đánh giá kỹ năng viết của học viên hay CTV, mình sẽ dựa trên 6 kỹ năng cơ bản gồm:
– Tư duy viết
– Research và tổng hợp thông tin
– Diễn đạt và ngôn ngữ
– Kỹ thuật viết
– Kỹ năng biên tập
– Tính ứng dụng và sáng tạo

Hãy lấy một bài viết gần đây của bạn – và tự chấm từng nhóm kỹ năng theo thang điểm 1 – 5.
Bạn có thể nhận checklist miễn phí tại đây nhé!
Đừng chấm cho vui – hãy ghi chú nhóm nào bạn mạnh, nhóm nào cần cải thiện vào sổ tay hoặc dán lên góc làm việc, máy tính,… Để mỗi lần viết bạn có thể nhìn vào đây và tự nhắc nhở bản thân. Mình chắc chắn rằng, sau 1 tháng, 2 tháng, 6 tháng,… kỹ năng viết của bạn sẽ tốt lên rất nhiều.
Viết tốt lên là một hành trình có ý thức. Không cần viết mỗi ngày hàng giờ, cũng không cần ôm đồm, ngấu nghiến hết đống sách kỹ thuật. Chỉ cần bạn biết mình đang ở đâu và biết mình cần điều chỉnh điều gì, thì mỗi bài bạn viết sẽ tốt hơn hơn bài trước một chút.
Chỉ với 4 bước như trên, bạn có thể tự đánh giá kỹ năng viết của mình với những điểm mạnh – yếu cần phát huy và cải thiện. Tự đánh giá là bước đầu tiên. Bước tiếp theo là, hành động từ những gì bạn vừa nhận ra.