Viết kết bài như thế nào để tạo một lời tạm biệt…đầy cảm xúc?

Như mình đã từng lấy một ví dụ để bạn dễ dàng hình dung về việc viết mở bài, thân bài giống như cách bạn đang hướng dẫn người khác đi trên đường với hành trình có điểm đầu – điểm giữa – điểm cuối. Vậy thì bây giờ, viết kết bài chính là điểm cuối mình cần phải triển khai.

Nhưng không giống như việc chỉ cần tới nơi là xong, phần kết bài không chỉ là điểm kết thúc. Nó cần gợi lại hành trình, đọng lại cảm xúc và có thể để lại một suy nghĩ dài lâu cho người đọc của bạn.

Vậy làm sao để có được phần kết bài đơn giản, nhẹ nhàng nhưng cũng đủ khiến người đọc phải nghĩ suy.

Dưới đây là một số cách mình vẫn thường hay áp dụng bạn có thể thử nhé!

Tăng tốc nhẹ trước khi kết – Tái hiện lại thông điệp chính

Trước khi kết thúc hành trình người lái xe thường sẽ phải giảm tốc độ. Thậm chí họ còn nhìn lại hành trình đã đi qua với vô vàn cảm xúc khác nhau. Còn bạn thì có thể tăng nhẹ cảm xúc trước khi dừng lại hoàn toàn bài viết bằng cách gợi lại luận điểm chính, chốt lại vấn đề bạn vừa bàn.

Bạn có thể áp dụng cách viết kết bài dạng này cho nhiều kênh khác nhau như bài viết trên website, bài PR đi báo, hoặc cũng có thể là các bài viết trên các nền tảng mạng xã hội như facebook, instagram, tiktok,…

Ví dụ: “Từ việc xác định dàn ý, nối ý mượt mà, cho đến việc thêm dẫn chứng, cảm xúc – bạn đã biết cách tạo nên một hành trình mạch lạc cho phần thân bài. Nhưng điều quan trọng là, hành trình ấy chỉ thực sự có ý nghĩa nếu bạn để lại cho người đọc điều gì đó để nhớ mãi.”

Bạn thấy không? Ví dụ này đã nhắc lại cách viết phần thân bài với các bước cơ bản (gồm có dàn ý – nối ý – dẫn chứng – cảm xúc) để tạo tiền đề nhấn mạnh vào sự quan trọng của phần kết bài. 

Có thể nói, đây là cách kết bài mình khá thích và rất hay áp dụng. Vì mình muốn độc giả sau khi đọc xong bài viết sẽ “mang về” được cho mình ít nhiều điều gì đó hữu ích.

viet ket bai nhu the nao
Tóm tắt phần nội dung trước đó đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của nội dung tiếp theo là cách viết kết bài dễ dàng thực hiện. Ảnh: unsplash.com

Khơi dậy cảm xúc – Để người đọc dừng lại mà vẫn nghĩ ngợi

Maya Angelou từng có một câu nói rất hay: ““People will forget what you said, people will forget what you did, but people will never forget how you made them feel.

Tạm dịch là: “Mọi người sẽ quên những gì bạn nói, mọi người sẽ quên những gì bạn làm, nhưng mọi người sẽ không bao giờ quên cảm giác bạn mang lại cho họ.

Gợi cho ai đó có được cảm giác, bất kể là cảm giác gì. Đó có thể là yêu, ghét, thích thú, an ủi, đồng cảm,…Mình cho rằng đó là một điều thành công của người viết.

Do vậy bạn có thể sử dụng kỹ thuật gợi cảm xúc ở đoạn cuối bài để kết nối với độc giả. Vậy làm sao để gợi được những thứ cảm xúc ấy lên?

Cách mình thường hay áp dụng là sử dụng một câu nói trích dẫn nào đó có sự liên quan, tạo nên một hình ảnh người đọc có thể mường tượng ra hoặc cũng có thể đưa ra một so sánh nho nhỏ.

Ví dụ: “Viết bài giống như đưa người khác đi qua một vùng đất mới. Có thể họ không nhớ rõ từng ngã rẽ nhưng, họ sẽ nhớ cảm giác dễ chịu khi đi cùng bạn đến cuối đường.”

Ở cách viết kết bài trên, mình không đi vào tóm tắt lại những ý chính của bài viết mà chỉ tập trung đúng vào trải nghiệm của người đọc, chạm đến sự “ghi nhớ cảm giác” hơn là “ghi nhớ chi tiết”.

Cảm xúc là thứ vô hình, nhưng lại để lại dấu vết rõ nhất trong lòng mỗi con người chúng ta. Và khi bạn kết thúc bài viết bằng một cảm giác – chứ không phải một gạch đầu dòng hay kết luận khô khan – thì bạn đã tạo ra một sợi dây mềm mại gắn kết giữa mình và người đọc.

Mở ra một điều gì đó – Gợi ý hướng đi tiếp theo

Ở phần kết, bạn có thể thực hiện gợi mở cho độc giả một hướng đi tiếp theo thay vì chỉ dừng lại rồi thôi. Y cách chúng ta lái xe đã đến đích, nhưng vẫn phải mở cửa, bước xuống và bắt đầu một hành trình mới.

Gợi ý một hướng đi tiếp theo cho người viết có thể là một suy nghĩ, một câu hỏi hay một lời mời gọi hành động. Để làm gì? Để độc giả có thể quẩn quanh suy nghĩ tiếp, có thể trả lời câu hỏi của bạn hoặc thực hiện hành động nào đó như xem thêm nội dung khác, tải ebook, lưu về bài viết. Hoặc thậm chí thành công hơn là quyết định chi trả tiền cho sản phẩm, dịch vụ của bạn.

Ví dụ: “Vậy là bạn đã biết cách kết thúc một bài viết một cách nhẹ nhàng nhưng vẫn để lại dư âm rồi đúng không? Giờ thì bạn có thể thử viết một bài – và khi viết phần kết, hãy tự hỏi: ‘Tôi muốn người đọc mang theo điều gì khi rời khỏi bài viết này?’”

Mục đích của cách kết bài này là gợi mở hành động, đưa ra một câu hỏi kích hoạt suy nghĩ cho độc giả. Nhờ đó người đọc có thể lập tức đi viết ngay một bài và không quên tự trả lời cho câu hỏi “Tôi muốn người đọc mang theo điều gì khi rời khỏi bài viết này?”

viet ket bai nhu the nao
Thay vì dừng lại ở đoạn kết một cách bình thường, bạn hãy khuyến khích độc giả thực hiện một hành động viết nào đó. Ảnh: unsplash.com

Đừng kết thúc kiểu “dừng đột ngột” – Hãy để lại dư âm

Một chiếc xe đang chạy không nên dừng lại đột ngột. Và một bài viết cũng nên vậy. Nếu để ý bạn sẽ thấy với những bài viết dừng lại đột ngột sẽ tạo nên một cảm giác hẫng đi một nhịp. Kết bài mà chỉ viết “Vậy là…”, “Trên đây,..”, “Hi vọng,…”hoặc “Tóm lại là…” có thể khiến người đọc cảm thấy khá sáo rỗng. Thay vào đó, bạn có thể chốt bằng một câu đắt giá, một gợi mở, hoặc một thông điệp sâu sắc phù hợp.
Ví dụ: “Bài viết kết thúc – nhưng cuộc trò chuyện giữa bạn và người đọc có thể vẫn đang tiếp tục…. Ít nhất là trong lòng họ!”

Với cách viết kết bài này, bạn không cần phải hô hào nhiều. Chỉ với cụm từ “ít nhất là trong lòng họ!” cũng đủ khiến người đọc cảm giác như có một khoảng trống nào đó cần phải tiếp tục suy nghĩ để lấp đầy. Mà cụ thể ở đây là cuộc trò chuyện trong lòng độc giả đối với người viết.

viet ket bai nhu the nao
Kết bài để lại dư âm cũng giống như việc bạn đặt vào tay độc giả của bạn một tách trà thơm. Ảnh: unsplash.com

Bất cứ ai, bất cứ điều gì cũng đều sẽ có một hồi kết. Một hồi kết tốt sẽ là khởi đầu cho một kết nối mới tuyệt vời hơn, rực rỡ hơn. Vậy nên trong một bài viết, ngoài đầu tư cho phần mở bài, thân bài thì bạn cũng cần chú trọng cả viết kết bài nữa nhé! Biết đâu được, đây chính là mối lương duyên tốt đẹp cho việc bạn có thể kết nối sâu hơn với độc giả của mình.

Xem thêm:

 

CÓ THỂ BẠN CẦN NHỚ NHANH:.

Kết bài không chỉ đơn thuần là điểm dừng của một bài viết, mà còn là nơi tạo dư âm, khơi gợi cảm xúc và thúc đẩy độc giả hành động hoặc suy nghĩ sâu hơn.
4 cách viết kết bài cảm xúc bạn có thể áp dụng:

  • Tái hiện thông điệp chính – nhắc lại luận điểm quan trọng để người đọc “mang về” một điều có giá trị.
  • Khơi dậy cảm xúc – để lại dấu ấn bằng một cảm giác dễ chịu, đồng cảm hoặc suy tư.
  • Mở ra hướng đi tiếp theo – đưa ra một câu hỏi, lời mời gọi hoặc gợi ý hành động nhẹ nhàng.
  • Để lại dư âm nhẹ nhàng – kết thúc bằng một câu đắt giá tạo cảm giác cuộc trò chuyện vẫn đang tiếp tục.
Picture of Thao Nguyen

Thao Nguyen

comments

Comments

related posts

Verified by MonsterInsights